BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU

ĐÌNH ĐÔNG PHÙ (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội)
Ngày đăng 22/03/2023 | 06:25  | Lượt xem: 2730

 

Đình Đông Phù, xã Đông Mỹ là một di tích lịch sử, văn hoá. Năm 1990 được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp quốc gia.

          Làng Đông Phù Liệt có tên nôm là Kẻ Nhót – vốn được sử sách ghi tên gắn liền với sự kiện 12 sứ quân. Làng có vị trí trọng yếu phía Nam kinh thành Thăng Long (nằm trên con đường Thiên Lý dẫn vào kinh thành) nên thời Lý – Trần nhiều thế lực chống đối triều đình đã chọn nơi đây làm căn cứ.

          Đình Đông Phù toạ lạc tại khu đất rộng, cao ráo và thoáng đãng. Đình trông về hướng Tây - cùng hướng với chùa Nhót (chùa Hưng Long). Đình Đông Phù là một kiến trúc đặc sắc, đình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng và văn hoá của nhân dân địa phương. Đình được xây dựng trên vùng đất trung tâm xã, không gian rộng, thoáng đãng với diện tích khoảng 9.000 m2, gồm toà Đại Bái với ba gian, hai chái, gian giữa nối với hậu cung. Bên trong là nghệ thuật chạm khắc gỗ với nhiều hoa văn rất tinh tế. Phía trước đình còn lưu giữ những di tích cổ như: rùa đội bia đá, nghiên bút, bàn cờ … Kiến trúc đình Đông Phù khá đặc biệt, ở trên mái nối tiếp vì kèo của gian đình chính và chái đình có hai bộ đòn tay như hai bộ mái chèo thuyền, không có tác dụng chịu lực mà để trang trí, có nhà nghiên cứu cho rằng, đó là tượng trưng kết cấu ngôi đình phỏng theo chiếc thuyền của vùng sông nước, không giống như nhà sàn của đình Mông Phụ ở Đường Lâm hoặc Đình Bảng ở Từ Sơn, Bắc Ninh.

          Theo sử sách và dân gian truyền lại, trong một chuyến vi hành vua Ngô Quyền và vị quan hầu lâm khoáng đã dừng chân nghỉ qua đêm tại Trạm gác của làng Phù Liệt (tức làng Đông Phù). Đến thời nhà Trần gọi nơi đây là Đình trạm làm nơi nghỉ ngơi của vua, quan khi đi tuần thú vùng Nam kinh thành Thăng Long.

          Đình Đông Phù thờ danh tướng Nguyễn Siêu

 (924 – 967) và hai anh trai ông là Nguyễn Khoan (906 – 967) và Nguyễn Thủ Tiệp (908 – 967). Cả ba anh em ông đều là tướng quân thời Ngô Vương Quyền.

          Trong kháng chiến chống quân Minh, năm Bính Ngọ (1426) khi Lê Lợi và Nguyễn Trãi tiến quân ra thành Đông Quan (Thăng Long) đã đặt đại bản doanh tối cao nghĩa quân Lam Sơn tại đình Đông Phù, hiện nay trên cột trụ phái trong cổng đình còn câu đối ghi lại sự kiện lịch sử, câu đối ghi:

Sử quân cát cứ Tây phù liệt

Bình Định Lê Vương đại bản doanh

          Bình Định Lê Vương là Bình Định Vương Lê Lợi đã từng lấy nơi đây đóng đại bản doanh chuẩn bị đánh chiếm thành Đông Quan (Thăng Long).

          Theo dân gian truyền lại và Ban quản lý di tích cũng đang sưu tầm nơi đây đã để lại dấu ấn lịch sử là Đại hội Quốc dân do Lê Lợi chủ trì đã thông qua quyết sách chiến lược “Vây thành – diệt viện” để đánh thắng quân Minh năm 1427 và Nguyễn Trãi đã khởi thảo bản “Bình Ngô đại cáo” tại Đình làng Đông Phù.

          Theo thần tích Đình làng Đông Phù, đình được xây dựng ba gian, hai chái từ giữa thế kỷ XIV, hơn 300 năm sau vào năm 1745 (đời vua Lê Cảnh Hưng thứ 6) đình được đại trùng tu lần thứ nhất trên nền đất cũ và tồn tại đến ngày nay. Đình được xây dựng tôn cao và vững chãi, là một trong những ngôi đình lớn của vùng Nam Thăng Long. Đình gồm toà Đại bái với 3 gian, 2 chái. Gắn với Đại bái là ống muống nối với hậu cung thành kiến trúc chữ Công theo hán tự. Đình thờ Thành Hoàng làng danh tướng Nguyễn Siêu làm biểu tượng quyền lực và tinh thần của làng Đông Phù.

          Gần 300 năm sau do bị mối, mọt, sự tàn phá của thời tiết đình đã bị xuống cấp, năm 2022 được sự quan tâm của Đảng, các cấp chính quyền từ Trung ương đến thành phố, huyện, xã và tấm lòng phát tâm công đức của nhân dân trong xã, khách thập phương sinh sống ở tại chỗ cũng như ở xa đã phát tâm công đức cùng nhau đóng góp sức người, sức của với Nhà nước để tiến hành đại trùng tu lần thứ hai.

          Đình Đông Phù là di sản đặc trưng Đại Việt. Từ là một trạm gác thời Ngô Quyền, đến đình trạm thời nhà Trần, rồi trở thành ngôi đình bề thế thời Lê Sơ. Đình Đông Phù là tài sản vô giá của nhân dân làng Nhót (Đông Phù Liệt – Đông Mỹ) 1000 năm qua. Hiện nay ở đình còn lưu giữ được 28 bản sắc phong các đời vua ban cho đình, bản sắc đầu tiên là năm vĩnh tộ thứ 7 (1625) đời vua Lê Thần Tông, bản sắc cuối cùng là năm Duy Tân thứ 7 (1913) đời vua Nguyễn Duy Tân.

          Hiện nay Đảng uỷ - HĐND – UBND – UB. MTTQ xã và Ban quản lý di tích đã cho phục sao, phóng to 5 bản sắc phong để treo ở đình và đền Mẫu – Bà Thần Tiên để nhân dân và khách thập phương khi đến đây được chiêm bái.

          05 Bản sắc phong gồm các năm:

          1. Năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) đời vua Lê Thần Tông

          2. Năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740) đời vua Lê Hiển Tông

          3. Năm Tự Đức 33 (1880) đời vua Nguyễn Dực Tông

          4. Năm Duy Tân thứ 7 (1913) đời vua Nguyễn Duy Tân.

          5. Năm Cảnh Hưng 44 (1783) đời vua Lê Hiển Tông.

 

                  Lịch sử hiện tại đã ghi nhận Đông Phù Liệt – Đông Mỹ là cái nôi của phong trào cách mạng, rất nhiều nam nữ thanh niên sớm giác ngộ cách mạng đứng lên tham gia chiến đấu giải phóng đất nước, giải phóng quê hương. Từ tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy, khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám đến phong trào Đông Kinh – Nghĩa Thục, khởi nghĩa Yên Bái của nguyễn Thái Học và đỉnh cao là tháng 5 năm 1930 chi bộ cộng sản Đông Phù được thành lập, đây là chi bộ đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập ở ngoại thành Hà Nội. Chi bộ gồm các đảng viên: Nguyễn Hữu Bằng, Phạm Thượng Trí, Lê Ngọc Lượng, Phạm Chất và Nguyễn Duy Tứ do đồng chí Phạm Gia làm bí thư.

          Đông Mỹ cũng là cái nôi sinh ra người con ưu tú của Đảng, nguyên cố Tổng bí thư của đảng đồng chí Đỗ Mười cùng các anh hùng, tướng lĩnh, Bộ trưởng và các doanh nhân tài năng.

          Để ghi nhận công lao thành tích đóng góp của nhân dân Đông Phù với phong trào cách mạng của đất nước năm 2000 nhà nước đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho nhân dân xã Đông Mỹ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

          Năm 2008 Đảng và nhà nước đã trao tặng nhân dân xã Đông Mỹ danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.

          Lịch sử rộng mênh mông và dài vô tận. Lịch sử đã trân trọng ghi nhận những dấu son đỏ chói của làng Đông Phù, xã Đông Mỹ vào sổ vàng của dân tộc.

                                                                             Xuân Quý Mão 2023

                                                                                Phạm Đoàn, Phạm Ngọc Dũng

                                                                                                       (  sưu tầm, biên tập)