DI TÍCH LỊCH SỬ
Đình làng Đông Phù là Di sản đặc trưng Đại Việt, có giá trị cả về kiến trúc, văn hóa và giá trị lịch sử. Đình còn lưu giữ được 29 bản sắc phong cho Đình của các đời vua. Từ chỗ là một trạm gác thời Ngô Quyền, đến Đình Trạm thời Nhà Trần, rồi trở thành ngôi đình bề thế thời Lê Sơ. Tại đây nhân dân tôn thờ Đức thành hoàng Nguyễn Siêu, người đã viết tên làng Đông Phù Liệt (Đông Phù sau này) lên bản đồ nước Đại Cồ Việt.
Tướng quân Nguyễn Siêu sinh ngày 09 tháng giêng năm Giáp Thân ( tức năm 924) cách đây 1100 năm, người qua đời vào ngày 15/7 năm Đinh Mão ( năm 967) thọ 43 tuổi, Người là biểu tượng quyền lực và tinh thần của nhân dân làng Đông Phù, là một vị tướng tài, có công cùng Ngô Quyền đánh đuổi giặc Nam Hán, và là một trong 12 sứ quân sau khi vua Ngô Quyền mất. Đình Đông phù là nơi ông đóng Đại bản doanh của mình. Khi người qua đời nhân nhân đã suy tôn ngài là “ Thành Hoàng Làng”.
Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa, lịch sử như đã nêu trên, Đình Đông Phù đã vinh dự được Bộ Văn hóa Thông Tin công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990.
Giữ trọn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với tấm lòng thành kính và biết ơn công lao to lớn của Tướng quân Nguyễn Siêu từ bao đời nay cứ vào mỗi dịp mùa xuân tháng hai, nhân dân địa phương đều long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống vào ngày mùng 7 tháng 2 âm lịch nhân dịp ngày “Nhập tịch” hay chính là ngày Nguyễn Siêu đặt chọn đất Đông Phù làm đại bản doanh. Trong lễ hội thường tổ chức các hoạt động tế, lễ để tỏ lòng tri ân công đức người có công với nước. Tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao, cờ tướng và các trò chơi dân gian rèn luyện con người về thể chất, về trí tuệ, để noi gương các bậc tiền nhân xây dựng và bảo vệ tổ quốc, non sông.
Được sự nhất trí của Đảng ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam xã. Thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, Ủy ban nhân dân – Ban quản lý di tích xã Đông Mỹ long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Đình Đông Phù năm 2024 để tưởng nhớ đến công ơn to lớn của tướng quân Nguyên Siêu và cầu mong Thành Hoàng làng gia hộ cho Quốc thái dân an, dân khang làng thịnh, nhà nhà được ấm no, hạnh phúc.
Nội dung chương trình lễ hội như sau :
1. Ngày 13/3/2024 ( Tức ngày 4 tháng 2 năm Giáp Thìn):
- 8h00: Thôn đăng cai ( thôn 3) phối hợp với Ban khánh tiết dọn vệ sinh, trang trí xung quang khu vực đình; trồng kiệu. Ban Tế nam bao sái Đình chính, Ban dâng hương bao sái khu vực nhà bà thần tiên..
2. Ngày 15/3/2024 ( Tức ngày 6 tháng 2 năm Giáp Thìn):
- 7h30: làm lễ Mộc Dục theo nghi thức truyền thống có đồng văn, bát âm, ban tế nam tổ chức làm lễ dâng hương và tế Yết.
3. Ngày 16/3/2024 ( Tức ngày 7 tháng 2 năm Giáp Thìn)
- 7h00: Khai mạc lễ hội.
- 7h15: Các đoàn đại biểu và nhân dân vào làm lễ.
- 8h00: Ban tế nam tế lễ sau đó ban dâng hương lễ thành hoàng làng.
- 14h00: Chung kết giải cờ tướng.
- 19h30: Giao lưu văn nghệ.
4. Ngày 17/3/2024 ( Tức ngày 8 tháng 2 năm Giáp Thìn):
- 15h00: tổ chức lễ tạ và họp rút kinh nghiệm tổ chức lễ hội.
Quy định trong những ngày tổ chức lễ hội:
Để tổ chức lễ hội được trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm đúng quy định và thuần phong mỹ tục của địa phương. Trong lễ hội cần thực hiện các quy định sau:
- Nghiêm cấm mọi hủ tục mê tín, dị đoan.
- Đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày diễn ra lễ hội.
- Giữ gìn vệ sinh môi trường chung.
- Toàn bộ điều lành lễ hội theo quy định của ban tổ chức.
Nhân dân và khách thập pơhuowng đến lễ phải tuân thủ các quy định của ban tổ chức.