HOẠT ĐỘNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI HOẠT ĐỘNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

Bệnh tay chân miệng là gì? Dấu hiệu và cách phòng bệnh hiệu quả!
Publish date 24/04/2023 | 08:47  | Lượt xem: 252

Bệnh Tay-Chân-Miệng là gì?

- Bệnh tay chân miệng là dạng bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch, do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Bệnh chân tay miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Các trường hợp biến chứng nặng thường do chủng EV71.

- Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 5 tuổi.  Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh chân tay miệng..

- Phương thức lây truyền: Bằng đường “phân-miệng” và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà.

Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng:

Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da…

- Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước.

Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.

Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.

- Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt.

- Các dấu hiệu nặng: Sốt cao, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, bứt rứt, co giật, hôn mê., yếu liệt chi.

Điều trị bệnh tay chân miệng

Cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng.

Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Các dấu hiệu nặng cần tái khám ngay: ( Sốt cao, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, bứt rứt, co giật, hôn mê., yếu liệt chi).

+ Chỉ định nhập viện (Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp, sốt cao, nôn nhiều)

Biện pháp phòng ngừa bệnh chân tay miệng hiệu quả

Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng. Các biện pháp phòng ngừa chính là:

- Giữ gìn vệ sinh, như vệ sinh răng miệng, rửa tay trước, sau khi nấu ăn, chuẩn bị thức ăn, sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là mỗi lần thay tã cho trẻ, ăn chín, uống sôi.

- Làm sạch dụng cụ học tập, đồ chơi và các dụng cụ khác bằng chloramin B 2%. Dụng cụ ăn uống như bát, đũa, cốc; ngâm, tráng nước sôi trước khi ăn, sử dụng. Vệ sinh sàn nhà bằng các dung dịch vệ sinh.

+ Người chăm sóc bệnh nhân: thực hành vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay ngay khi thay tã cho trẻ. Hạn chế hôn, sử dụng chung các dụng cụ với trẻ bệnh.

+ Khi trẻ còn triệu chứng bệnh tay - chân - miệng, không tham gia các hoạt động, gặp gỡ trẻ em khác như đến lớp, đi bơi,... - Khi trẻ đến lớp có sốt, loét miệng, phỏng nước phải thông báo cho gia đình và cơ quan y tế . Theo dõi các biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước đối với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ em để thông báo cho cơ quan y tế.