HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ VÀ CÁC ĐƠN VỊ HIỆP QUẢN
Gia đình là đơn vị nhỏ của xã hội, là đơn vị đầu tiên, trong đó con người gắn bó với nhau bởi những mối quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống. Gia đình giữ vai trò thiết yếu trong hoạt động và phát triển của bất kỳ xã hội nào, gia đình là nơi con người được sinh ra, là tổ ấm thân yêu mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hoà trong đời sống cá nhân của mỗi con người trong gia đình, cá nhân được đùm bọc về mặt vật chất và giáo dục về tâm hồn, nhân cách hình thành và phát triển hoàn chỉnh.
Hình ảnh minh họa.
Gia đình là “tế bào của xã hội”, gia đình là xã hội thu nhỏ, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. gia đình là nơi chuyển giao văn hoá từ thế hệ này sang thế hệ khác và do đó cùng với lĩnh vực sản xuất ra tư liệu sinh hoạt nó quyết định sự tồn tại và phát triển của nhân loạị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”.
Gia đình Việt Nam luôn được mỗi người coi trọng được xuất phát từ truyền thống đạo lý. Lịch sử mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay, Tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình có tính chất đặc biệt, tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân giúp nước.
Vai trò của gia đình được thể hiện qua các chức năng như: Chức năng tái sản sinh ra con người là chức năng cơ bản và đặc thù của gia đình; chức năng nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ của gia đình là rất quan trọng và rộng lớn, gia đình chăm lo nuôi dưỡng để con cái khoẻ mạnh, có cơ thể cường tráng, có trí tuệ thông minh chức năng kinh tế của gia đình được thể hiện thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ; chức năng tổ chức đời sống tạo sự ổn định và phát triển xã hội, tổ chức đời sống gia đình là chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần để tạo hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình; chức năng đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý, tình cảm của các thành viên trong gia đình, chức năng này có vị trí đặc biệt quan trọng, cùng với các chức năng khác tạo ra khả năng thực tế cho xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương đã ban hành nhiều văn bản nhằm phát huy tạo điều kiện để mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội. Ngày nay, với sự phát triển và hội nhập, truyền thống gia đình Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới với sự quan tâm yêu thương sâu sắc.
Ngày 28/6 hàng năm được chính thức chọn là ngày gia đình Việt Nam là ngày Lễ tôn vinh mái ấm gia đình Việt Nam, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau là ngày cả cộng đồng và xã hội cùng hướng về gia đình, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau xây dựng hạnh phúc.
Tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng" được gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa và lồng ghép với phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tiếp tục thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống Bạo lực Gia đình và Luật Bình đẳng giới đi vào cuộc sống, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia có khung pháp lý khá hoàn thiện để bảo vệ quyền của người phụ nữ, trẻ em và đẩy lùi bạo lực gia đình.
Đề cao vai trò của gia đình trong việc nuôi dạy con tốt, giữ gìn phát huy truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của gia đình. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nuôi dạy con tốt, làm cho gia đình thực sự trở thành môi trường tốt nhất trong giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ em.
Hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua những việc làm nhỏ trong cách ứng xử, đối xử giữa các thành viên, qua những nét sinh hoạt cụ thể, diễn ra hàng ngày trong đời thường như: ăn uống, nghỉ ngơi, chuyện trò, vui chơi của gia đình. Vì vậy, chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hàng ngày đối với việc xây dựng một gia đình hạnh phúc .
Trong cuộc sống hiện đại, mỗi gia đình, ai cũng có việc riêng tư, học hành, công tác, làm ăn...nên không chủ động được thời gian cho cuộc họp mặt trong bữa cơm gia đình. Lâu dần theo thời gian, người ta chỉ quan tâm đến việc làm sao cho bữa ăn có đủ dưỡng chất hoặc...no bụng mà thôi và có thể ăn uống vội vàng ở đâu, trong trạng thái nào, dù là cơm hàng, cơm hộp,...miễn là có sự thỏa mãn về vật chất là được. Tuy nhiên, ở đó thiếu vắng tình cảm ruột rà, thân thuộc, sự ấm cúng, bình yên như bữa cơm hàng ngày của gia đình.
Kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam (28/6) năm nay, mỗi người chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau hành động, cùng có ý thức về sum họp trong gia đình, cùng ăn bữa cơm thân mật hay bữa tiệc liên hoan nho nhỏ. Cùng gặp mặt các thành viên trong gia đình để trao đổi, bộc bạch, chia sẻ những vui buồn... ôn lại truyền thống nề nếp gia đình Việt Nam là điều hết sức cần thiết và ý nghĩa, hãy góp phần gắn chặt tình cảm các thành viên lại với nhau, từng bước đưa "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" vào cuộc sống, trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp mãi mãi trong mỗi gia đình Việt Nam.