TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC XÃ HỘI HÓA CUNG CẤP PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI, DỊCH VỤ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH/SỨC KHỎE SÍNH SẢN
Publish date 14/04/2023 | 11:00  | Lượt xem: 211

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.

Trong khi đó, công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ và tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những khó khăn đó là việc thiếu hụt phương tiện tránh thai và hậu quả tất yếu là không khống chế được mức sinh, ngoài ra còn làm tăng nạo phá thai và hậu quả là tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em.

Trước đây, người dân thực hiện chính sách KHHGĐ có nhu cầu về phương tiện tránh thai đều được Nhà nước cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay, việc các đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai đã được thu hẹp quy định. Nguồn ngân sách nhà nước cấp để mua phương tiện tránh thai khoảng từ 35-45 tỷ đồng/năm (đạt 10% so với nhu cầu) và đang có xu hướng giảm dần. Do đó, việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS là một trong những giải pháp huy động đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác dân số - KHHGĐ.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xã hội hóa, ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt là Đề án 818). Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của Đề án 818, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hoá cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hoá và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030.

Mục tiêu chung của Đề án hướng tới là tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS cho nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả; chú trọng dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.