GIỚI THIỆU CHUNG GIỚI THIỆU CHUNG

Chùa Hưng Long - xã Đông Mỹ
Ngày đăng 31/08/2023 | 09:42  | Lượt xem: 384

Xã Đông Mỹ, Huyện Thanh Trì nằm ở phía Đông Nam của thủ đô Hà Nội. Đây là mảnh đất địa linh, nhân kiệt, nơi sớm có phong trào yêu nước và cách mạng, có Chi bộ Đảng Đông Phù đầu tiên được thành lập ở ngoại thành Hà Nội vào tháng 5 năm 1930.

Trong thời kỳ dựng nước và giữ nước vào năm 1010 Lý Thái Tổ lên ngôi Hoàng Đế rời đô ra Thăng Long, và cho xây dựng một số ngôi Chùa trong Nội, Ngoại thành Thăng Long - Hà Nội. Ngài đã chọn Đông Phù nơi có 3 con sông lớn nhỏ chảy qua như sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch và Sông Hồng là nơi giao lưu buôn bán tấp nập, đô hội trù phú.

Ngôi Chùa Hưng Long Tự được khởi dựng năm 1011, năm Thuận Thiên thứ 2, đời Vua Lý Thái Tổ, được tọa lạc trên một khuôn viên cao ráo, phong quang, mát mẻ, yên tĩnh. Dân gian vùng này thường gọi là thế đất Kim quy, chùa chính đặt trên lưng Rùa, Tam quan đặt trên đầu Rùa. Chùa Hưng Long là ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng có vị trí trung tâm của Tổng Nam phù xưa, thuộc sở hữu của 2 làng Đông Phù Liệt và Đông Phù Trạch.

Vua Lý Thánh Tông đời vua thứ ba của Triều Lý, đã sinh đôi được hai người con gái, chị là Lý Từ Thục, em là Lý Từ Huy. Hai chị em công chúa ăn học tới tuổi trăng tròn mặt hoa ra phấn, thông minh, học giỏi nhưng quyết một lòng xin vua cha và hoàng hậu rời lầu son gác tía xuất gia đi tu, ăn chay niệm phật, sống từ bi bác ái, tốt đời, đẹp đạo.

Dời Điện Ngọc xuống nơi thôn dã, thời bấy giờ thấy dân tình đói khổ, bệnh tật lây lan, ruộng đồng bỏ hoang. Được vua cha ban cho trên 3 nghìn mẫu ruộng, hai bà đã chia cho nhân dân phật tử thuộc Tổng Nam Phù xưa gồm 9 xã, 10 làng nay là 4 xã: Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà, Ninh Sở. Hai bà hướng dẫn nhân dân khai hoang phục hóa, cấy cày, trồng dâu nuôi tằm, làng nghề thủ công đan lát, khi nông nhàn làm các loại: Bún, đậu phụ, bánh trưng, bánh dày, bánh trôi, bánh chay nhằm từng bước xây dựng cho nhân dân Tổng Nam Phù xưa có cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc. Với công cao đức cả nói trên, Nhị vị Công chúa được nhân dân trong vùng tôn kính là hiện thân của Bồ Tát. Và các triều đại nhà vua tôn vinh với danh hiệu cao quý là Đại thánh Bồ Tát.

Giữ trọn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn “ với tấm lòng thành kính và tri ân công lao to lớn của Công chúa Nhị Vị Bồ Tát, từ bao đời nay. Hàng năm cứ tới ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch nhân dân 4 xã Đông Mỹ, Ngũ Hiệp, Duyên Hà, Ninh Sở tổ chức lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng.

Chùa Hưng Long không những có giá trị là một di sản văn hoá kiến trúc nghệ thuật của một ngôi Chùa cổ, mà còn là một ngôi Chùa có ý nghĩa lịch sử cách mạng. Năm 1929 Chi hội thanh niên cách mạng đồng chí Hội được thành lập. Tại tam quan Chùa tổ chức nơi hội họp để thành lập Uỷ ban khởi nghĩa giành chính quyền, nơi tập hợp đông đảo quần chúng trong xã, trong vùng kéo đến huyện đường Thanh Trì giành chính quyền trọn vẹn về cách mạng.

Với ý nghĩa lịch sử văn hoá to lớn Chùa Hưng long đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá năm 1990 và gắn biến Di tích cách mạng kháng chiến năm 2004.

Trải qua một nghìn năm tuổi trước sự xuống cấp của danh Lam Thánh tích, năm 2004(Giáp thân), UBND thành phố Hà Nội đã quyết định cấp ngân sách trùng tu lại ngôi Đại Hùng Bảo Điện (Tam bảo), giải vũ thờ Đức Thánh Hiền và 03 gian nhà tế lễ trước điện thờ Nhị vị Đại Thánh Bồ Tát.

Mùa thu năm mậu Tý (2008) nhân dân, phật tử cùng các cấp chính quyền địa phương đã kính thỉnh mời Đại Đức Thích Minh Tiến đảm nhiệm trụ trì Chùa Hưng Long. Ngày 8 tháng giêng năm Kỷ Sửu(2009), Đại đức đã kêu gọi thập phương tín hữu xa gần phát tâm công đức tiến hành trùng tu các công trình còn lại, giai đoạn này gồm có các hạng mục công trình: Sơn cửa và làm mới tượng phật- tượng Thánh- tượng Tổ thờ tại Tam Bảo, thờ tại Mẫu, Hoành phi câu đối cửa võng điện thờ Nhị Vị, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, dựng 14 gian nhà thờ Tổ, 10 gian nhà thờ Mẫu, 10 gian giải vũ thờ Đức ông- Lê Hán, Nhà Chuông, Nhà Trống, Nhà Khách, đúc 01 chuông lớn, tạo 01 trống lớn, sửa lại cổng Tam Quan, một số công trình phụ trợ khác và quy hoạch cảnh quan sân vườn. Các công trình trên đã được hoàn thành, UBND thành phố Hà Nội tổ chức gắn biển Công trình chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội(2010) cũng như kỷ niệm 1000 năm chùa Hưng Long xây dựng và phát triển (2011).

Từ năm 2010 – đến nay Đại Đức tiếp tục kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bàn giao 2510 m2 đất cho địa phương. Tháng giêng năm Đinh Dậu (2017), Đại Đức đã tiến hành cải tạo và xây mới 02 dãy nhà 2 tầng để làm thư viện Phật học, giảng đường và trai đường. Đồng thời tu bổ xây dựng thêm nhiều công trình tâm linh, tạo lại một phần cảnh quan kiến trúc cơ bản vốn có của Chùa Hưng Long xưa và đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, phật tử.

Trải qua hơn 1000 năm xây dựng và phát triển, chùa Hưng Long luôn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa phật giáo, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân trong Tổng Nam phù xưa và nay. Chùa Hưng Long không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phật giáo, tâm linh, tín ngưỡng mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống lịch sử.

Lễ hội năm 2023 chính là dịp kỷ niệm 928 năm Nhị vị công chúa hóa thân Bồ tát- Nhập Niết bàn, đồng thời cũng là kỷ niệm 404 năm Nhị vị Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Thưởng, Trịnh Thị Ngọc Thọ cũng một số phật tử chung tay công đức đại trùng tu chùa Hưng Long vào năm 1619 Đây cũng là dịp để tri ân công đức các bậc tiền nhân có công với quê hương, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an và là nguồn động viên khích lệ to lớn cho thế hệ hôm nay đang nỗ lực phấn đấu nối tiếp trang sử chùa Hưng Long và đóng góp với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương xây dựng quê hương ngày một văn minh giầu đẹp.