TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

TẢO HÔN – VẤN ĐỀ MANG LẠI NHIỀU HỆ LỤY
Ngày đăng 10/04/2023 | 10:00  | Lượt xem: 3595

 

Nạn tảo hôn khiến các trẻ em gái bỏ lỡ nhiều cơ hội học tập, phát triển và tận hưởng tuổi thơ, tăng tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh và tỉ lệ tử vong của bà mẹ có liên quan đến thai sản. Đáng buồn hơn, hiện nay có tới 40/53 dân tộc thiểu số có tỉ lệ tảo hôn từ 20% trở lên, cá biệt một số dân tộc có tỉ lệ tảo hôn lên tới 60%.

Tảo hôn là gì? Nguyên nhân và hậu quả của tảo hôn

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, năm nay có hơn 60 triệu trẻ em gái 10 tuổi trên toàn thế giới sẽ bắt đầu giai đoạn bước vào tuổi vị thành niên. Đáng nói là hàng triệu trẻ em gái sẽ bị người lớn ép kết hôn bất chấp việc các em có đồng ý hay không. Cụ thể, mỗi ngày trên thế giới có gần 48.000 trẻ em gái, trong đó nhiều em mới có 10 tuổi bị ép buộc hôn nhân và mỗi ngày cũng có khoảng 20.000 nữ giới dưới 18 tuổi sinh con.

Ở Việt Nam, tình trạng tảo hôn cũng diễn ra hết sức nghiêm trọng. Kết quả từ Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam (MICS) cho thấy tỷ lệ nữ giới trong độ tuổi từ 15 - 19 đã kết hôn chiếm 10,3% vào năm 2014. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra trong các cộng đồng dân tộc thiểu số mà tỷ lệ tảo hôn ở khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên cũng khá cao.

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015, tỉ lệ tảo hôn chung trong dân tộc thiểu số là 26,6%. Cá biệt có dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội rất khó khăn tỉ lệ tảo hôn cao tới 50 - 60% như: Mông, Xinh Mun, La Ha, Gia Rai, Bru Vân Kiều... Từ nạn tảo hôn, đã khiến nhiều trẻ em, nhất là trẻ em gái không được đến trường. Nhiều gia đình chỉ để con biết chữ rồi cho nghỉ học. Mặc dù, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng gặp những rào cản do nhận thức của bà con.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân – nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, tảo hôn là vi phạm quyền con người. Giải quyết tình trạng tảo hôn là một trong những giải pháp góp phần giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền con người cũng như góp phần duy trì sự bền vững của phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng và quốc gia.

Tảo hôn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em gái mà trẻ em trai cũng bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn trẻ em gái. Tảo hôn liên quan chặt chẽ đến các cấp độ phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế đã cho thấy, tại các tỉnh có chỉ số phát triển con người cao hơn thì thường có tỉ lệ tảo hôn thấp hơn. Ở những nơi nạn tảo hôn có tỉ lệ cao thì dễ dàng tạo ra sự phân biệt giới tính, dẫn tới việc sinh con sớm, sinh nhiều con và ưu tiên cơ hội giáo dục cho trẻ em trai hơn là trẻ em gái.

Để giải quyết tình trạng tảo hôn, Chính phủ Việt Nam đã ban hành luật và chính sách, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình (2014), Luật Trẻ em (2016) và Chương trình Quốc gia nhằm giải quyết tình trạng tảo hôn 2015-2025. Tuy nhiên, ở cấp độ cộng đồng, các chuẩn mực truyền thống và phong tục vẫn cho phép nữ giới dưới 18 tuổi kết hôn nếu có sự đồng ý của cha mẹ và đây được coi là một yếu tố liên quan tới văn hóa địa phương. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của người dân được coi là giải pháp giải quyết tận gốc tình trạng tảo hôn.

Hà Nội hiện nay vẫn còn 14 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi gồm 7 xã là Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì); 3 xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất); 2 xã Đông Xuân, Phú Mãn (huyện Quốc Oai); xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) và xã An Phú (huyện Mỹ Đức) vẫn đang trong tình trạng khó khăn về nhiều mặt, thậm chí xã Ba Vì vẫn còn tới 48% số hộ dân thuộc diện “hộ nghèo”. Đồng nghĩa với đó là vẫn còn những tập tục lạc hậu trong sinh đẻ “con đàn, cháu đống”, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại trong các thôn, bản.

Gần đây, Hà Nội đã triển khai thực hiện mô hình “Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 2 xã của huyện Quốc Oai nhằm tuyên truyền về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn xã cho các lãnh đạo, cán bộ chuyên trách, tư vấn viên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giảm thiểu vấn nạn tảo hôn. Tại 2 xã triển khai mô hình, tích cực đưa tin, bài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh xã về nội dung hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời tuyên truyền, tư vấn cho các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, các gia đình có nguy cơ kết hôn cận huyết thống cao về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đẩy mạnh khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho người dân.

Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, việc tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” là việc làm cần thiết, để nâng cao nhận thức của người dân để họ tự chuyển đổi hành vi từ đó đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng dân số./.