TIN TỨC - SỰ KIỆN
Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác gia đình. Ngày 10/10/1959, tại Hội nghị Cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác nhấn mạnh: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình…”. Đảng ta cũng khẳng định: “Xây dựng gia đình là vấn đề lớn hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”.
Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Bởi, cho dù khoa học trên thế giới có phát triển hiện đại, tối tân, vượt bậc đến đâu thì những giá trị như: tình cảm yêu thương, chăm sóc, chia sẻ, đùm bọc, động viên, khích lệ từ gia đình để con người vượt qua những trở ngại, thăng trầm của cuộc sống không gì có thể thay thế được.
Nhiều năm qua, công tác gia đình đã được các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cá nhân quan tâm sâu sắc. 28/6 hàng năm đã trở thành ngày Gia đình Việt Nam - một ngày đặc biệt để tôn vinh giá trị nhân văn của mái ấm gia đình Việt; ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội hướng về gia đình, quan tâm đến trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng thấu hiểu giá trị mái ấm và cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ, công tác gia đình ở Thủ đô đối diện với nhiều thách thức. Tuy vậy, nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, những năm qua, công tác gia đình đã được Thành ủy, HĐND và UBND Thành phố quan tâm chỉ đạo, bằng việc triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình công tác.Thành phố chủ trương và tập trung xây dựng triển khai, thực hiện 3 nội dung cốt lõi, đó là: xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng; hoàn thiện các mẫu hình văn hóa là kiến tạo môi trường lành mạnh để phát triển, đáp ứng với tiến trình xây dựng Thủ đô Hà Nội hiện đại, văn minh.
Thực hiện chỉ đạo của Thành phố, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai, thực hiện công tác gia đình và đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc đăng ký, bình xét, công nhận Gia đình văn hóa hàng năm tại các địa phương được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, đúng tiến độ với tỷ lệ tham gia đăng ký đạt trên 95% (so với tổng số hộ dân). Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” trung bình hàng năm đạt trên 85%. Từ năm 2020 đến năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 88%. Trong năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt ra mục tiêu số hộ đạt Gia đình văn hóa là 88%.
Vấn đề bảo vệ, giáo dục trẻ em, chăm sóc người cao tuổi cũng luôn được gia đình và cộng đồng đặc biệt quan tâm; bình đẳng giới được đề cao chú trọng, bảo đảm bình đẳng giữa nam và nữ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực cũng như trong cuộc sống. Công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; nhân rộng và duy trì mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; đẩy mạnh phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình. Tập trung triển khai công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, thông qua triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình và các chiến dịch truyền thông.
Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”, kỷ niệm 22 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình là dịp để các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp Nhân dân quan tâm đến vị trí, vai trò của gia đình, cách thức tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng mối quan hệ trong gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.